Nông dân Chiêm Hóa rộn ràng khí thế sản xuất đầu năm mới

Mùa Xuân không chỉ là mùa khởi đầu của năm mới mà đó còn là mùa của thi đua lao động sản xuất với mỗi người nông dân. Dọc các tuyến đường qua các địa phương trong huyện đã tấp nập người dân xuống đồng sản xuất. Khí thế lao động hăng say trong những ngày đầu Xuân mang đến dự cảm về mùa vụ thắng lợi.

Trên nhiều cánh đồng ở các xã, thị trấn, bà con nông dân đã xuống đồng cấy nốt lúa ở trà Xuân muộn theo đúng khung lịch thời vụ. Với những diện tích được cấy trước Tết Nguyên đán, bà con tập trung vào chăm sóc, bón phân cho lúa. Bà Trần Thị Hồng, thôn Tham Kha, xã Trung Hòa cho biết: năm nay gia đình chủ động gieo cấy gần 2.000m2 lúa lai từ trước Tết. Sau 03 ngày Tết chính, mùng 04 tháng Giêng gia đình đã ra thăm đồng ruộng để điều tiết nước, qoãi tro bếp giữ ấm cho lúa. Hiện nay gia đình bà Hồng đang tập trung bón phân dúi cho toàn bộ diện tích lúa đã cấy.

Gia đình bà Trần Thị Hồng, thôn Tham Kha, xã Trung Hòa đang tập trung bón phân dúi cho toàn bộ diện tích lúa Xuân.

Tại xã Vinh Quang, không khí lao động sản xuất ngày đầu năm cũng đang diễn ra nhộn nhịp. Nhanh tay thu hoạch sắn, chị Lê Thị Hòa ở thôn Tiến Hóa 2 vui vẻ cho biết: ngay từ chiều mùng 5 Tết, nhà chị Hòa đã tập trung nhân lực dọn dẹp vườn tược, thuê thêm nhân công khẩn trương thu hoạch hơn 1 ha sắn để kịp chuẩn bị cho vụ sản xuất kế tiếp. Toàn bộ sắn sau khi thu hoạch sẽ được các cơ sở chế biến tinh bột sắn trên địa bàn xã thu mua. Theo chị Hòa, ở vụ sắn này nhà chị thu về hơn 20 tấn với giá thành gần 2.000.000 đồng/tấn.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vinh Quang khẩn trương thu hoạch nông sản.

Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu dùng các loại rau xanh tươi, mới của người dân tăng cao, từ ngày mùng 03 Tết, gia đình ông Lều Văn Ngôn, thôn Liên Nghĩa, xã Vinh Quang đã ra vườn có diện tích hơn 800m2 để thu hái như: cải cúc, su hào, cà chua và một số loại rau gia vị... phục vụ người tiêu dùng. Khác với lúa, các loại rau màu cần được chăm bón hàng ngày, nên người trồng rau ở đây gần như đã quen với việc vừa đón Xuân, vừa sản xuất.

 

Các loại rau màu được ông Ngôn chăm bón hàng ngày nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ người tiêu dùng sau Tết.

Anh Hồ Quốc Khánh, Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Kim Bình chia sẻ: đây là năm đầu tiên Hợp tác xã thử nghiệm đưa mô hình canh tác công nghệ cao, đó là trồng dưa chuột bao tử vụ Xuân và dưa lưới vụ Hè - Thu trong nhà màng có tổng diện tích gần 2.000m2, tương ứng với gần 5.000 gốc dưa chuột bao tử MayA Israel có tổng kinh phí đầu tư trên 1,3 tỷ đồng. Do kỹ thuật chăm sóc tương đối khó nên không kể ngày thường hay Tết, các thành viên trong Hợp tác mỗi ngày đều phải thực hiện kiểm tra vườn, chăm sóc dưa đảm bảo theo đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật.

Mô hình trồng dưa lưới nhà màng được đưa vào trồng thử nghiệm ở vụ Xuân này của HTX Nông Lâm nghiệp Kim Bình.

Tính đến hết ngày 09/02/2022, huyện Chiêm Hóa đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy 3.795 ha lúa Xuân. Do chủ động theo dõi diễn biến thời tiết có đợt rét đậm nên trước đó tranh thủ những ngày có tiết trời ấm áp, phần lớn diện tích lúa đã được bà con nông dân gieo cấy trước Tết Nguyên đán. Những ngày sau Tết bà con tranh thủ xuống đồng tập trung gieo cấy phần diện tích còn lại và thực hiện các biện pháp chống rét cho lúa mới cấy. Hiện nay, nhân dân các địa phương đang tập trung trồng trên 1.500 ha ngô; 1.000 ha lạc, phấn đấu hoàn thành theo đúng Kế hoạch.

Nhìn chung, không khí sản xuất sau Tết của bà con nông dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa diễn ra hết sức khẩn trương để kịp thời vụ, ngoài diện tích lúa, các loại cây ăn quả, cây màu bước vào thời kỳ trồng mới và tăng cường chăm sóc. Với diện tích nuôi thủy sản, bà con cũng đang tích cực nạo vét ao để rắc vôi, khử trùng trước khi bơm nước chuẩn bị cho vụ cá mới; tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định, công tác tiêm phòng và phòng chống rét cho đàn vật nuôi được người dân quan tâm, chú trọng./.

Tin cùng chuyên mục